Phạt nguội là hình thức xử phạt đối với người tham gia giao thông vi phạm luật, được phát hiện thông qua thiết bị kỹ thuật của cơ quan chức năng hoặc qua các phương tiện kỹ thuật của tổ chức, cá nhân và những thông tin, hình ảnh từ các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội. Phương thức này cho phép xử lý vi phạm mà không cần dừng xe ngay tại chỗ. Thông qua việc tra cứu phạt nguội sẽ giúp bạn biết được các lỗi mình đã vi phạm và nộp phạt nhanh chóng. Dưới đây là một số cách tra cứu xe ô tô bị phạt nguội và các thông tin về cách nộp phạt chi tiết.
4 cách tra cứu xe ô tô bị phạt nguội đơn giản trên ứng dụng/website
Hiện có 4 cách tra cứu xe ô tô bị phạt nguội đơn giản, nhanh chóng nhất, gồm:
Tra cứu phạt nguội tại website Cục Đăng kiểm Việt Nam
Các kiểm tra phạt nguội ô tô trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm 3 bước như sau:
Bước 1:Truy cập website
Mở trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam và chọn mục “Phương tiện xe cơ giới cho chủ phương tiện” trong phần “Tra cứu dữ liệu” ở góc phải màn hình.
Bước 2: Nhập thông tin
Điền đầy đủ thông tin yêu cầu và nhấn “Tra cứu” để kiểm tra.
Lưu ý:
- Với xe biển 5 số: thêm chữ “T” cho biển trắng, “X” cho biển xanh và “V” cho biển vàng.
- Đối với số tem hoặc giấy chứng nhận, hãy nhập dấu “-” để phân cách giữa chữ cái và số.
Bước 3: Xem kết quả
Thông tin liên quan đến phương tiện sẽ hiện ra phía dưới màn hình.
- Nếu phương tiện bị phạt nguội, kết quả sẽ hiển thị chi tiết vi phạm. Nếu xuất hiện ô màu đen với thông tin xử lý vi phạm, phương tiện này chưa nộp phạt và sẽ bị từ chối đăng kiểm.
- Nếu phần này trống, phương tiện không bị phạt nguội và việc đăng kiểm sẽ diễn ra bình thường.
Kiểm tra trên website của Sở Giao thông Vận tải
Phương pháp kiểm tra phạt nguội ô tô này chỉ áp dụng cho các tỉnh, thành phố đã tích hợp chức năng tra cứu phạt nguội trên website của Sở GTVT, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…. Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Mở trang web tra cứu phạt nguội của Sở GTVT tại địa phương bạn đang sinh sống.
- Bước 2: Điền đầy đủ thông tin về phương tiện và nhấn “Tra cứu”.
- Bước 3: Kéo xuống dưới để xem chi tiết kết quả tra cứu.
Tra cứu phạt nguội ô tô trên website cục cảnh sát giao thông
Để kiểm tra xem xe ô tô có bị phạt nguội do vi phạm giao thông hay không, hãy thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Mở trang web của Cục CSGT tại đây và chọn mục “Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh” ở góc phải màn hình.
Bước 2: Điền biển kiểm soát của xe và chọn loại phương tiện tương ứng.
Bước 3: Nhập cụm ký tự số và chữ hiển thị bên cạnh ô trống.
Bước 4: Nhấn “Tra cứu” để hệ thống tìm kiếm thông tin. Kết quả vi phạm giao thông qua hình ảnh camera sẽ được hiển thị.
- Nếu xe ô tô bị phạt nguội, kết quả sẽ bao gồm đơn vị phát hiện vi phạm, thời gian và địa điểm vi phạm, cũng như trạng thái xử phạt (nếu chưa nộp phạt, sẽ hiện “Chưa xử phạt”).
- Nếu xe không vi phạm, hệ thống sẽ thông báo “Không tìm thấy kết quả”.
Tra cứu trên ứng dụng điện thoại
Ứng dụng Kgo là công cụ hữu ích cho người tham gia giao thông, hỗ trợ bạn trong nhiều khía cạnh như học lái xe, ôn thi GPLX, nhắc nhở thời hạn đăng kiểm và bảo hiểm. Nó cũng giúp tìm cây xăng, bãi đỗ xe, gara sửa xe, điểm nạp ắc quy, dịch vụ làm lốp, cứu hộ và thông tin về mức phạt.
Cách tra cứu ô tô bị phạt nguội trên ứng dụng Kgo như sau:
- Bước 1: Tải ứng dụng Kgo về điện thoại của bạn
- Bước 2: Mở ứng dụng sau khi tải xong và đăng ký hoặc đăng nhập vào tài khoản. Bạn cũng có thể sử dụng tài khoản Google hoặc Facebook để đăng nhập nhanh chóng. Trên trang chủ, chọn mục “Phạt nguội” để bắt đầu tra cứu.
- Bước 3: Trong ô “Tìm kiếm”, nhập biển số xe không có dấu gạch ngang hoặc dấu chấm. Sau đó, nhấn “Tìm”. Ứng dụng sẽ hiển thị thông tin chi tiết về biển số xe, lỗi vi phạm, thời gian, địa điểm, trạng thái nộp phạt và số điện thoại liên hệ.
Các lỗi phạt nguội ô tô thường mắc phải
Lỗi phạt nguội có rất nhiều, trong đó có 4 lỗi mà ô tô thường vi phạm nhất là:
Lỗi chạy quá tốc độ
Mức phạt đối với hành vi điều khiển xe cơ giới vượt quá tốc độ được quy định tại Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
Tốc độ vượt quá |
Ô tô |
Từ 05 – dưới 10 km/h |
800.000 – 01 triệu đồng |
Từ 10 – 20 km/h |
04 – 06 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe 01 – 03 tháng |
Từ trên 20 – 35 km/h |
06 – 08 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng |
Từ trên 35 km/h |
10 – 12 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng |
Lỗi chạy sai làn
Mức phạt đối với lỗi đi không đúng làn đường hoặc phần đường được quy định tại Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
Phương tiện |
Mức phạt |
Ô tô |
04 – 06 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng |
Lỗi vượt đèn đỏ
Mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô và các phương tiện tương tự không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông được quy định tại điểm a khoản 5 và điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi điểm c và điểm đ khoản 34 Điều 2 của Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
Phương tiện |
Mức phạt |
Ô tô |
04 – 06 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng |
Lỗi chạy ngược chiều
Mức phạt đối với hành vi đi ngược chiều trên đường một chiều hoặc trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” được quy định tại Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
Phương tiện |
Mức phạt |
Ô tô |
04 – 06 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng |
Quy trình nộp phạt nguội xe ô tô
Để nộp phạt nguội xe ô tô, bạn cần thực hiện theo quy trình sau:
- Bước 1: Hình ảnh phương tiện vi phạm sau khi được ghi lại, sẽ được chuyển đến bộ phận trích xuất để lưu thông tin về biển số xe, thời gian và địa điểm vi phạm, lỗi vi phạm, kèm theo hình ảnh vi phạm. Phiếu xác nhận kết quả vi phạm cũng sẽ được trích in. Những thông tin này sau đó được chuyển cho lực lượng cảnh sát giao thông khu vực để xử lý và làm căn cứ xử phạt hành chính. Bạn có thể tra cứu kết quả phạt nguội tại csgt.vn hoặc phatnguoi.vn. Tất cả các bước giao nhận hình ảnh và phiếu xác nhận kết quả sẽ được ghi chép vào sổ theo dõi, có chữ ký của bộ phận xử lý và lưu trong hồ sơ xử phạt.
- Bước 2: Sau khi nhận được hình ảnh vi phạm và phiếu xác nhận kết quả, cảnh sát giao thông sẽ thông báo cho tổ chức hoặc cá nhân liên quan về hành vi vi phạm và yêu cầu họ đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
- Bước 3: Khi đã xác định đúng người vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản xử phạt hành chính, kèm theo hình ảnh vi phạm thu được từ thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Cách nộp phạt nguội xe ô tô
Có 5 hình thức nộp phạt nguội xe ô tô, cụ thể:
Nộp phạt tại chỗ cho CSGT
Nộp phạt tại chỗ là phương thức đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện nhất cho việc xử lý các lỗi vi phạm giao thông đường bộ, được nhiều chủ phương tiện lựa chọn.
Nộp phạt tại kho bạc nhà nước
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm phải thực hiện nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước, thông tin chi tiết về tài khoản sẽ được ghi rõ trong biên bản vi phạm giao thông.
Nếu không nộp phạt trong thời hạn 10 ngày, cá nhân hoặc tổ chức sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Mỗi ngày trễ hạn, cá nhân hoặc tổ chức đó sẽ phải chịu lãi suất chậm nộp là 0.05% tổng số tiền phạt phải nộp.
Nộp phạt thông qua ngân hàng
Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính và hướng dẫn nộp phạt vào ngân sách nhà nước qua phương thức điện tử. Để thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông theo cách này, cá nhân hoặc tổ chức cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Đến trụ sở giao dịch của ngân hàng hoặc đăng nhập vào hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng (Mobile Banking, Internet Banking, hoặc hình thức thanh toán điện tử tương ứng).
Bước 2: Ngân hàng sẽ lập chứng từ để thực hiện nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
Bước 3: Ngân hàng tiến hành kiểm tra thông tin tài khoản và điều kiện trích nợ.
- Nếu thông tin và điều kiện phù hợp, ngân hàng sẽ thực hiện chuyển tiền đầy đủ và kịp thời vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước.
- Nếu không phù hợp, ngân hàng sẽ gửi thông báo không thành công cho người thực hiện thanh toán để họ thực hiện lại các bước cần thiết.
Nộp phạt thông qua bưu điện
Theo Thỏa thuận số 69/TTHT-C67-BĐVN giữa Cục Cảnh sát giao thông và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm có thể nộp phạt qua bưu điện như sau:
- Đăng ký nộp phạt qua bưu điện: Sau khi đăng ký với lực lượng cảnh sát giao thông về việc nộp phạt qua bưu điện, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm cần đến bưu điện gần nhất để thực hiện nộp tiền phạt.
- Nhận lại giấy tờ: Sau khi nộp phạt, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm sẽ nhận lại giấy tờ bị tạm giữ từ cảnh sát giao thông trong vòng 2 ngày nếu ở trung tâm thành phố hoặc từ 3 – 5 ngày nếu ở huyện và các tỉnh lân cận.
- Xử lý trường hợp thất lạc: Nếu giấy tờ tạm giữ bị thất lạc trong quá trình vận chuyển, bưu điện và cơ quan liên quan sẽ phối hợp để cấp lại miễn phí cho người vi phạm.
Nộp phạt online tại cổng dịch vụ công quốc gia
Sau khi nhận thông báo vi phạm phạt nguội, bạn có thể thực hiện nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia và chọn mục “Thanh toán trực tuyến”.
Bước 2: Chọn “Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính” theo hình thức cá nhân hoặc doanh nghiệp.
Bước 3: Chọn mục “Tra cứu, thanh toán vi phạm giao thông”.
Bước 4: Có hai cách để tra cứu phạt nguội:
- Cách 1: Tra cứu theo mã quyết định (Cổng dịch vụ công sẽ gửi tin nhắn về số điện thoại của cá nhân hoặc tổ chức vi phạm).
- Cách 2: Chọn “Tra cứu theo biên bản vi phạm” và nhập các thông tin cá nhân tương ứng.
Bước 5: Sau khi nhập đầy đủ thông tin, chọn hình thức nộp tiền phạt và thực hiện theo hướng dẫn của Cổng dịch vụ công.
Câu hỏi thường gặp
Sau đây là giải đáp chi tiết một số câu hỏi thường gặp về quá trình nộp phạt nguội ô tô:
Nếu không nộp phạt nguội ô tô có bị sao không?
Nếu người vi phạm không nộp phạt nguội đúng hạn, sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Mỗi ngày chậm nộp sẽ phải chịu lãi suất 0.05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp, theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với ô tô vi phạm giao thông, việc không nộp phạt đúng thời hạn còn có thể bị từ chối đăng kiểm. Theo khoản 12 Điều 80 của Nghị định 100/2019, nếu quá hạn nộp phạt mà vẫn chưa hoàn thành việc thanh toán, CSGT sẽ thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa phương tiện vào danh sách cảnh báo trong chương trình Quản lý kiểm định. Điều này là cơ sở để đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định xe, theo khoản 6 Điều 4 của Thông tư 70/2015/TT-BGTVT.
Do đó, nếu không nộp phạt đúng hạn, chủ xe không chỉ bị cảnh báo trên chương trình Quản lý kiểm định mà còn có thể bị từ chối kiểm định và phải đối mặt với mức phạt nặng lên đến 16 triệu đồng cho việc quá hạn đăng kiểm. Để tránh các hậu quả này, người vi phạm nên thanh toán phạt nguội đúng hạn để tránh bị đưa vào danh sách cảnh báo và chịu phí trả chậm.
Lưu ý gì khi kiểm tra phạt nguội
Khi tra cứu, bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Nhập biển số xe chính xác: Đảm bảo nhập biển số đúng cách, không có khoảng cách và có dấu gạch nối giữa phần chữ và phần số nếu có.
- Nhập đầy đủ thông tin: Cần nhập đầy đủ biển số xe, số tem, và giấy chứng nhận kiểm định.
- Chứng minh người điều khiển: Nếu bạn không phải là người trực tiếp điều khiển phương tiện vi phạm (như cho mượn xe hoặc cho thuê xe), bạn vẫn cần cung cấp chứng minh hoặc giải trình hợp lý. Nếu không, bạn cũng sẽ bị xử phạt theo lỗi vi phạm.
Sau khi vi phạm, có thể tra cứu phạt nguội sau bao lâu?
Theo khoản 2 Điều 4 của Thông tư 15/2022/TT-BCA, khi phát hiện vi phạm qua phạt nguội, lực lượng cảnh sát sẽ tiến hành xác minh phương tiện và người vi phạm. Sau đó, sẽ gửi thông báo phạt nguội cho chủ xe và yêu cầu họ đến trụ sở công an. Thông báo phạt nguội sẽ được phát hành trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát hiện vi phạm.
Nếu chủ phương tiện không đến cơ quan công an để giải quyết trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận thông báo, Cảnh sát giao thông sẽ cập nhật thông tin vi phạm lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông.
Phạt nguội bao lâu thì xóa
Các cá nhân, tổ chức sau khi nộp phạt nguội sẽ được xóa ngay sau khi nộp phạt theo quy định.
Cảnh sát giao thông có gọi điện thông báo phạt nguội không?
Thông báo phạt nguội sẽ được thực hiện bằng văn bản và gửi trực tiếp đến tay chủ phương tiện, tổ chức hoặc cá nhân liên quan.
Cục CSGT nhấn mạnh rằng các đơn vị CSGT không thực hiện việc gọi điện thoại thông báo vi phạm hoặc yêu cầu chuyển tiền phạt vào tài khoản ngân hàng. Nếu nhận được các yêu cầu như vậy, rất có thể bạn đang gặp lừa đảo.
Phạt nguội có bị tước giấy phép lái xe không?
Tùy vào mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định tước bằng lái xe của người vi phạm. Ví dụ, chủ phương tiện có thể bị tước bằng lái nếu sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe hoặc thực hiện các hành vi sai quy định như dừng, quay đầu hoặc đỗ xe không đúng vị trí.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách tra cứu ô tô bị phạt nguội và cách nộp phạt cho các chủ phương tiện. Hy vọng những chia sẻ trong bài sẽ hữu ích và giúp bạn hiểu về quy trình và những quy định khi bị phạt nguội.