10 Nguyên nhân và cách xử lý đèn báo lỗi động cơ hiệu quả

Ngày đăng: 24/12/2024

Chia sẻ:

Đèn báo lỗi động cơ (Check Engine) là đèn cảnh báo tổng quát nhất trên ô tô, có chức năng cảnh báo nhiều bộ phận trong hệ thống động cơ. Khi đèn này sáng lên thì đồng nghĩa với việc xe của bạn đang gặp sự cố ở hệ thống điều khiển và cần được kiểm tra và khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn và hiệu suất hoạt động. Vậy nguyên nhân khiến đèn xe báo lỗi động cơ phát sáng là gì? Cách khắc phục ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết ngay sau đây.

Nguyên nhân và cách khắc phục đèn báo lỗi động cơ ô tô phát sáng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến đèn báo lỗi động cơ phát sáng. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến và cách khắc phục hiệu quả bạn có thể tham khảo:

Hỏng dây cao áp, bộ chia điện

Hệ thống đánh lửa trên ô tô có thể sử dụng bộ chia điện hoặc mô-bin kết hợp với dây cao áp để truyền điện đến bugi tùy theo từng dòng xe. Khi một trong các thành phần này gặp sự cố, quá trình đánh lửa sẽ không đồng đều, dẫn đến nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn. Điều này không chỉ làm giảm hiệu suất của xe mà còn làm tăng nguy cơ hỏng hóc cho bộ lọc khí thải. Khi đó, đèn cảnh báo động cơ khí thải sẽ sáng để nhắc nhở người dùng kiểm tra.

Cách khắc phục:

  • Kiểm tra định kỳ kết nối của dây cao áp, mô-bin và bộ chia điện.
  • Đảm bảo tất cả các thành phần của hệ thống đánh lửa hoạt động ổn định.

Thực hiện bảo dưỡng đúng cách sẽ giúp động cơ vận hành mượt mà, tăng hiệu suất và giảm thiểu nguy cơ hư hỏng nghiêm trọng

Hỏng dây cao áp, bộ chia điện có thể khiến đèn cảnh báo động cơ phát sáng
Hỏng dây cao áp, bộ chia điện có thể khiến đèn cảnh báo động cơ phát sáng

Hỏng bugi

Bugi là bộ phận thiết yếu trong động cơ chịu trách nhiệm tạo tia hồ quang điện để đốt cháy hỗn hợp khí nén ở áp suất cao. Do làm việc liên tục trong điều kiện khắc nghiệt, bugi dễ bị mòn các cực dẫn, gây ra hiện tượng đánh lửa kém. Điều này không chỉ làm tăng tiêu hao nhiên liệu mà còn dẫn đến lượng khí thải cao hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, bugi có thể hỏng hoàn toàn, khiến động cơ gặp các vấn đề như rung lắc, giảm công suất và hiệu suất tổng thể suy giảm đáng kể. Lúc này đèn báo lỗi động cơ sẽ phát sáng để cảnh báo người dùng.

Cách khắc phục:

Kiểm tra định kỳ và thay thế bugi khi cần. Nên thay bugi sau mỗi 40.000 km, thay bugi Platin hoặc Iridium sau mỗi 100.000 km. Điều này sẽ giúp cải thiện hiệu suất và công suất động cơ, giảm tiêu hao nhiên liệu và khí thải độc hại, ngăn ngừa hư hỏng nghiêm trọng cho bộ xúc tác khí thải.

Bugi hỏng khiến động cơ gặp các vấn đề như rung lắc, giảm công suất và hiệu suất tổng thể
Bugi hỏng khiến động cơ gặp các vấn đề như rung lắc, giảm công suất và hiệu suất tổng thể

Hỏng cảm biến đo gió

Cảm biến đo gió là thiết bị quan trọng trong hệ thống động cơ, chịu trách nhiệm đo lường lượng không khí được hút vào buồng đốt. Dữ liệu từ cảm biến này được gửi đến bộ điều khiển ECU để tính toán lượng nhiên liệu phù hợp, đảm bảo hỗn hợp khí và nhiên liệu đạt tỷ lệ tối ưu. Tuy nhiên, nếu cảm biến gặp trục trặc thì sự cân bằng này sẽ bị phá vỡ, khiến giảm hiệu suất động cơ. Lúc này, đèn cảnh báo động cơ sẽ phát sáng để báo hiệu vấn đề.

Cách khắc phục:

  • Đảm bảo các giắc cắm được kết nối chắc chắn và không bị lỏng. 
  • Kiểm tra xem dây dẫn có bị đứt hoặc hư hỏng ngầm không.
  • Làm sạch hoặc thay thế cảm biến nếu cần.
Hỏng cảm biến đo gió khiến giảm hiệu suất động cơ
Hỏng cảm biến đo gió khiến giảm hiệu suất động cơ

Cảm biến oxy không hoạt động

Cảm biến Oxy rất quan trọng với hệ thống động cơ xe ô tô giúp đo lượng khí oxy dư thừa trong khí thải. Thông tin này được gửi đến bộ điều khiển trung tâm (ECU) để tính toán và điều chỉnh lượng nhiên liệu phù hợp giúp tối ưu hóa quá trình đốt cháy. Tuy nhiên, nếu cảm biến bị hư hỏng do tích tụ cặn bẩn từ nhiên liệu, xe có thể tiêu hao đến 30% nhiên liệu. Các dấu hiệu thường gặp như động cơ yếu, tăng tốc khó khăn, xe di chuyển chậm và đèn cảnh báo khí thải phát sáng.

Cách khắc phục:

  • Thay thế cảm biến oxy nếu cảm biến bị hỏng.
  • Làm sạch động cơ và sử dụng nhiên liệu chất lượng cao để ngăn ngừa tình trạng tích tụ cặn bẩn.

Hỏng van hằng nhiệt

Van hằng nhiệt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ nước làm mát ở mức lý tưởng, giúp động cơ hoạt động ổn định và đạt hiệu suất tối ưu. Van này hoạt động bằng cách mở hoặc đóng để điều chỉnh dòng chảy của nước làm mát vào động cơ. Tuy nhiên, nếu van bị kẹt ở trạng thái mở, nhiệt độ nước làm mát sẽ không đạt mức tối ưu sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của động cơ và kích hoạt đèn báo lỗi từ hệ thống ECU.

Cách khắc phục:

  • Vệ sinh kỹ lưỡng để loại bỏ cặn bám, giúp van hoạt động trơn tru.
  • Nếu van hằng nhiệt bị hư hỏng nặng hoặc không thể vệ sinh thì cần thay thế để đảm bảo hệ thống làm mát hoạt động bình thường.
Hỏng van hằng nhiệt khiến nhiệt độ nước làm mát sẽ không đạt mức tối ưu 
Hỏng van hằng nhiệt khiến nhiệt độ nước làm mát sẽ không đạt mức tối ưu

Hỏng bộ lọc khí thải

Bộ lọc khí thải thường ít gặp sự cố nếu các bộ phận khác của động cơ hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các vấn đề như bộ cao áp trục trặc gây đánh lửa sai (dẫn đến thừa xăng) hoặc động cơ bị rò rỉ dầu có thể gây tích tụ muội bẩn làm tắc nghẽn bộ lọc. Khi bộ lọc khí thải bị hỏng, tín hiệu nhiên liệu gửi về trung tâm điều khiển ECU sẽ bị sai lệch, dẫn đến cung cấp nhiên liệu không chính xác. Hậu quả là động cơ hoạt động kém hiệu quả, giảm hiệu suất và tăng tiêu hao nhiên liệu. Lúc này đèn báo động cơ khí thải sẽ sáng để người dùng biết xe đang gặp lỗi và cần xử lý.

Cách khắc phục:

  • Đưa xe đến gara kiểm tra để xác định tình trạng bộ lọc và mức độ tắc nghẽn.
  • Tùy vào mức độ hư hỏng, bộ lọc có thể được làm sạch hoặc thay mới để đảm bảo hệ thống xả hoạt động bình thường.
Khi bộ lọc khí thải bị hỏng, tín hiệu nhiên liệu gửi về trung tâm điều khiển ECU sẽ bị sai
Khi bộ lọc khí thải bị hỏng, tín hiệu nhiên liệu gửi về trung tâm điều khiển ECU sẽ bị sai

Nắp xăng hở hoặc không chặt

Nắp bình xăng không được vặn chặt hoặc bị hỏng có thể dẫn đến hiện tượng rò rỉ hơi xăng gây thất thoát nhiên liệu, tăng mức tiêu hao và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Hệ thống cảm biến EVAP Pressure sẽ phát hiện áp suất hơi xăng trong bình thấp hơn mức bình thường và kích hoạt đèn báo lỗi động cơ để cảnh báo người dùng.

Cách khắc phục:

  • Kiểm tra nắp bình xăng, đảm bảo được vặn chặt và đúng vị trí, không bị nứt hoặc kênh.
  • Nếu nắp bình không có vấn đề nhưng lỗi vẫn xuất hiện, cần kiểm tra hệ thống bơm xăng để đảm bảo không gây rò rỉ hơi xăng

Kẹt rơ le van lọc khí nhiên liệu

Rơ le van EVAP hay còn gọi là van của hệ thống EVAP (hệ thống kiểm soát hơi nhiên liệu), có nhiệm vụ kiểm soát lượng hơi thoát ra từ bình xăng và hệ thống phun nhiên liệu nhằm giảm thiểu khí thải độc hại và bảo vệ môi trường. Rơ le hoạt động theo chu kỳ, nhưng nếu gặp sự cố thì van có thể bị kẹt ở trạng thái luôn mở, gây rò rỉ hơi nhiên liệu và làm giảm hiệu suất của hệ thống.

Giải pháp khắc phục:

  • Thay thế rơ le bị kẹt hoặc hỏng để đảm bảo hệ thống EVAP hoạt động bình thường.
  • Kiểm tra định kỳ và bảo dưỡng hệ thống EVAP thường xuyên để ngăn ngừa tình trạng hỏng hóc.
Kẹt rơ le van lọc khí nhiên liệu gây rò rỉ hơi nhiên liệu
Kẹt rơ le van lọc khí nhiên liệu gây rò rỉ hơi nhiên liệu

Cài đặt các thiết bị báo động không đúng cách

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại thiết bị báo động ô tô với tính năng và mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, việc lắp đặt thiết bị không phù hợp hoặc không đúng cách có thể dẫn đến cảnh báo sai, gây phiền toái trong quá trình sử dụng. 

Cách khắc phục:

  • Chọn thiết bị báo động tương thích với dòng xe của bạn để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
  • Nhờ các kỹ thuật viên hoặc nhà cung cấp uy tín tư vấn để lựa chọn sản phẩm chất lượng.
  • Đảm bảo thiết bị được lắp đặt chính xác theo hướng dẫn hoặc bởi các đơn vị chuyên nghiệp.

Lỗi do bộ chuyển đổi xúc tác

Bộ chuyển đổi xúc tác (catalytic converter) có nhiệm vụ giảm lượng khí thải độc hại của xe trước khi chúng được xả ra môi trường. Khi bộ phận này gặp sự cố, khả năng xử lý khí thải kém, dẫn đến sự gia tăng đột ngột khí CO2, khiến xe chậm động và không thể tăng tốc mặc dù tài xế đạp ga. Người dùng có thể nhận biết thông qua hệ thống đèn lỗi động cơ khí thải.

Cách khắc phục:

  • Khi bộ chuyển đổi xúc tác hỏng bạn nên thay mới để đảm bảo xe hoạt động bình thường.
  • Đưa xe đến gara uy tín để các kỹ thuật viên kiểm tra và thay thế bộ chuyển đổi xúc tác đúng cách.
Lỗi do bộ chuyển đổi xúc tác khiến xe chậm động và không thể tăng tốc
Lỗi do bộ chuyển đổi xúc tác khiến xe chậm động và không thể tăng tốc

Hệ thống điều khiển động cơ

Khi các cảm biến và các thành phần khác trong hệ thống hoạt động bình thường nhưng đèn báo lỗi động cơ vẫn sáng thì nguyên nhân có thể xuất phát từ lỗi trong Engine Control Module (ECM) hoặc các kết nối dây liên quan. Những lỗi này có thể làm gián đoạn quá trình truyền tín hiệu, dẫn đến cảnh báo không chính xác hoặc ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ.

Cách khắc phục:

  • Kiểm tra ECM và các kết nối dây, đảm bảo dây dẫn không bị đứt, rò rỉ hoặc kết nối lỏng lẻo.
  • Kiểm tra trạng thái của ECM và các tín hiệu điều khiển để xác định lỗi cụ thể.
  • Nếu ECM hoặc dây dẫn bị hỏng, cần thay thế hoặc sửa chữa bởi kỹ thuật viên chuyên nghiệp.

Hướng dẫn kiểm tra cơ bản khi đèn báo lỗi sáng

Khi đèn cảnh báo động cơ khí thải (Check Engine) trên ô tô bật sáng, bạn có thể thực hiện một số bước kiểm tra cơ bản trước khi mang xe đến trung tâm sửa chữa. Dưới đây là các bước giúp bạn xác định và khắc phục những vấn đề đơn giản:

  • Kiểm tra nắp bình nhiên liệu đã đóng chặt chưa, bởi nắp bình nhiên liệu không được đậy kín có thể khiến đèn Check Engine sáng. 
  • Kiểm tra bugi có bị mòn hoặc bẩn không. Có thể thay thế bugi nếu cần.
  • Dây cao áp cần đảm bảo không bị hỏng hoặc lỏng lẻo.
  • Kiểm tra cảm biến oxy xem có vấn đề gì không và thay thế nếu cần.
  • Hệ thống EVAP kiểm soát hơi xăng bay hơi từ bình nhiên liệu. Nếu hệ thống này gặp sự cố, đèn Check Engine sẽ bật sáng. Kiểm tra các ống dẫn và van của hệ thống EVAP để đảm bảo chúng hoạt động bình thường.
  • Nếu có sẵn, bạn có thể sử dụng máy quét mã lỗi OBD-II để đọc mã lỗi từ hệ thống điều khiển động cơ. Điều này giúp xác định chính xác nguyên nhân gây ra đèn báo lỗi.

Lưu ý: Nếu sau khi thực hiện các bước kiểm tra trên mà đèn Check Engine vẫn sáng, hoặc bạn không tự tin trong việc kiểm tra, hãy đưa xe đến trung tâm sửa chữa uy tín để được kiểm tra và khắc phục kịp thời.

Hướng dẫn kiểm tra cơ bản khi đèn báo lỗi sáng
Hướng dẫn kiểm tra cơ bản khi đèn báo lỗi sáng

Mẹo phòng tránh tình trạng đèn báo lỗi động cơ phát sáng

Để tránh gặp tình trạng đèn báo lỗi động cơ phát sáng, bạn có thể lưu ý một số điều sau:

  • Thực hiện bảo trì định kỳ sau mỗi 5.000 – 10.000 km hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đặc biệt chú ý đến bộ chia điện, dây cao áp và cảm biến oxy, vì đây là những bộ phận thường gây ra lỗi nếu không được bảo trì đúng cách.
  • Sử dụng nhiên liệu chất lượng tốt sẽ giúp động cơ hoạt động ổn định hơn và giảm thiểu nguy cơ gặp sự cố.
  • Thay dầu động cơ đúng hạn sau mỗi 5.000 – 7.500 km hoặc ít nhất một lần mỗi năm. Nên sử dụng dầu tổng hợp hoặc dầu được khuyến nghị bởi nhà sản xuất để đảm bảo hiệu suất tối ưu cho động cơ.
  • Kiểm tra hệ thống điện, các giắc cắm để đảm bảo chắc chắn và không có hư hỏng nào ảnh hưởng đến hiệu suất của hệ thống.
  • Tránh lái xe trong điều kiện khắc nghiệt như đường xấu, nhiệt độ cao hoặc thường xuyên dừng đỗ có thể làm tăng áp lực lên động cơ.
  • Tránh tăng tốc đột ngột hoặc phanh gấp sẽ giúp giảm thiểu áp lực lên các bộ phận của xe, từ đó kéo dài tuổi thọ của động cơ.

Hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý khi đèn báo lỗi động cơ sẽ giúp bạn tránh được những hư hỏng nghiêm trọng và duy trì hiệu suất vận hành ổn định. Hy vọng những thông tin trong bài sẽ hữu ích và giúp bạn xử lý nhanh chóng trong mọi trường hợp.

Bài viết cùng chủ đề:

0915.119.119